GIẢI PHÁP SỬA CHỮA CÁC LOẠI KHUÔN MẪU VÀ THÉP DỤNG CỤ BẰNG CÔNG NGHỆ HÀN HỒ QUANG
Các phương pháp sửa chữa Khuôn
Khuôn mẫu ứng dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau như: nhựa, gia công, tạo hình chi tiết kim loại, đúc áp lực, rèn, dập… Khi khuôn bị lỗi có thể thay mới hoặc sửa chữa khuôn bằng nhiều giải pháp khác nhau. Tuy nhiên sửa chữa khuôn bằng hàn đắp là giải pháp đơn giản và hiệu quả kinh tế hơn hẳn.
Việc đầu tiên của giải pháp hàn đắp khuôn là bạn phải chọn công nghệ hàn (hàn hồ quang tay, hàn Tig, hàn Mig, hàn PTA, hay hàn Laze?). Chúng tôi sẽ chỉ ra ưu nhược điểm của các công nghệ này như sau:
- Hàn Laze hoặc hàn PTA: cho mối hàn có chất lượng tuyệt vời nhưng công nghệ vô cùng phức tạp và giá thành cực cao.
- Hàn Mig: mối hàn chấp nhận được, tốc độ nhanh, nhưng rất ít nhà sản xuất có thể sản xuất được loại dây hàn chuyên cho khuôn mẫu.
- Hàn Tig: mối hàn chấp nhận được, nhưng tốc độ rất chậm.
- Hàn Hồ quang tay (dùng que hàn thuốc bọc): Nhược điểm là hay bị bắn tóe khi hàn (cái này phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng que hàn mà bạn chọn). Ưu điểm: tốc độ hàn rất nhanh, dễ chọn que hàn và dễ mua que hàn chuyên dụng cho khuôn mẫu, chất lượng mối hàn khá ổn định.
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi sẽ đề cập đến hàn sửa chữa khuôn mẫu và thép dụng cụ bằng công nghệ hàn hồ quang tay dùng que hàn thuốc bọc (trước đây nhiều bạn chỉ biết đến hàn sửa chữa khuôn mẫu bằng hàn TIG, tuy nhiên hàn hồ quang tay mới chính là công nghệ hàn được nhiều nước phát triển đang dùng để sửa chữa khuôn mẫu).
Ok bạn, xong việc thứ nhất là chọn công nghệ, bây giờ chúng ta đi đến việc thứ 2.
Việc thứ 2: Chọn que hàn thích hợp
Muốn chọn que hàn, thì phải biết được khuôn mẫu thường làm bằng những loại vật liệu nào?
Tùy từng yêu cầu về loại khuôn như khuôn đùn ép nhựa, khuôn dập nóng, dập nguội, khuôn chồn, khuôn chuốt, khuôn ép, khuôn độp dập, khuôn đúc áp lực, khuôn đùn gạch, khuôn ép gạch.., mà người ta sẽ dùng các vật liệu khác nhau để chế tạo khuôn.
Với mỗi nhóm ứng dụng sẽ có các nhóm vật liệu khuôn tương ứng. Tuy nhiên để tạo ra thương hiệu riêng, các nhà sản xuất vật liệu làm khuôn sẽ đặt tên cho mỗi loại theo cách riêng của họ (gọi là mác vật liệu).
Do vậy, để tỏ ra nguy hiểm, các đơn vị phân phối sẽ giới thiệu cho bạn một cơ số các mác vật liệu để bạn chọn lựa. Có thể ví dụ một số mác thường bán tại Việt Nam như sau: S45C, S50C, 2311, P20, NAK80, P21, 2083, STAVAX, SKD11, SKD61, SK3, SK33, YC3, SGT, SLD, SLD-MG, SCM440, 1050, 1206, S55C, 1055, 1740, 2311, HPM-22, P20, 2083 HPM-33, SF-420, FDAC, 2379, 2344…
Để nhớ hết các mác thép là điều không tưởng, lại phải nhớ thêm dùng que hàn nào để sửa loại thép nào càng khó hơn. Vậy phải làm sao?
Que hàn khuôn mẫu và thép dụng cụ nói chung sẽ phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Ít bắn tóe nhất có thể.
- Khả năng hòa tan tốt trong vật liệu nền.
- Không bị nứt sau khi hàn cũng nhưng trong quá trình làm việc.
- Giữ lại được độ cứng khi làm việc ở nhiệt độ cao hoặc áp lực cao.
- Chống mài mòn tốt.
Về nguyên tắc, mỗi loại loại vật liệu làm khuôn sẽ có 1 loại que hàn tương ứng để hàn nó. Tuy nhiên, nếu vậy sẽ rất khó khăn cho người thợ khi sửa chữa 1 lúc nhiều loại khuôn.
Trên thị trường hiện tại đang có một số mác que hàn đa năng, chuyên dùng để hàn khuôn mẫu, có thể hàn được nhiều mác thép làm khuôn khác nhau, vẫn đảm bảo các cơ tính của khuôn, mà không đòi hỏi bạn phải nhớ quá nhiều thông số.
Bạn có thể tham khảo tại đây: http://quehancaocap.com/danh-muc-san-pham/vat-lieu-han-khuon/
Ok, xong việc thứ 2 là chọn que hàn. Tiếp theo là gì?
Việc thứ 3: Quy trình hàn. Đa phần quy trình hàn sửa chữa khuôn bằng công nghệ hàn hồ quang tay vô cùng đơn giản, có thể thực hiện được bởi bất cứ thợ hàn nào.
Các quy trình hàn này đều được nêu khá rõ trong bảng tài liệu kỹ thuật của que hàn bạn chọn. Có thể tóm gọn mấy dòng sau:
- Gia nhiệt trước hàn: theo từng mác thép, nhưng thông thường khoảng 200 độ C là đủ.
- Quá trình hàn: Trong tài liệu họ thường yêu cầu giữ nhiệt vật hàn ở 1 nhiệt độ nào đó. Tuy nhiên đây là điều kiện lý tưởng. Thực tế chứng minh, các ứng dụng hàn khuôn chỉ cần gia nhiệt trước hàn rồi cứ thế cắm que vào hàn, vẫn ngon như thường.
- Ram và Ủ khử ứng suất: cái này nên làm để đảm bảo không tồn tại ứng suất dư sau hàn (trừ trường hợp sửa chữa các vết vỡ hay khuyết tật ở vùng khuôn không làm việc thì bỏ qua bước này). Nhiệt độ và thời gian ram, ủ sẽ theo khuyến cáo trên tài liệu que hàn.
Tôi và Ram lại sau tôi: Cái này thì tùy. Nếu bạn yêu cầu khuôn có độ cứng trên 62HRC thì nên làm, nếu độ cứng nhỏ hơn thì bỏ qua bước này.
Bản thân một số que hàn, ngay sau khi hàn xong đã đạt được độ cứng trên dưới 60HRC.
Ok bạn, đến đây việc còn lại là bạn sẽ mang chiếc khuôn vừa hàn đắp đi gia công lại bằng phay CNC, hay mài dũa, cắt dây…